« Quay lại

Doanh nghiệp ngành bao bì giấy đang “ăn nên làm ra”

Theo quan sát của CTCK Rồng Việt (VDSC), chỉ số ngành bao bì có sự chuyển động tương đối theo xu hướng dịch chuyển của chỉ số bán lẻ với độ trễ khoảng 2 tháng. Vì vậy, việc chỉ số bán lẻ quý 4/2014 tăng trưởng mạnh 15,4% so với cùng kỳ hứa hẹn một sự tích cực trong kết quả kinh doanh Q1/2015.

 

Theo các doanh nghiệp trong ngành, hằng năm, các doanh nghiệp thường hoạt động cầm chừng nhất là giai đoạn sau tết Nguyên Đán, tuy nhiên, riêng năm nay, công suất sản xuất đã đẩy lên ba ca/ngày. Tại ĐHCĐ 2015 vừa qua, CTCCP Bao bì Biên Hòa (SVI) cho biết cầu tiêu dùng đã phục hồi ngay từ đầu năm 2015, kéo theo sự gia tăng đơn hàng. Kết quả này đến sớm hơn so với dự đoán ban đầu của doanh nghiệp.

Với những yếu tố tích cực trên, VDSC cho rằng càng có cơ sở để kỳ vọng vào sự tăng trưởng của ngành giấy bao bì, nhất là khi các hiệp định thương mại đa phương, song phương được ký kết.

Kết quả kinh doanh quý 1 của các doanh nghiệp cũng minh chứng thực tế này khi tăng trưởng doanh thu của CTCP Đông Hải Bến Tre (DHC) tăng 43,6%, CTCCP Bao bì Biên Hòa (SVI) tăng 32,8%, CTCP Bao bì Dầu thực vật VPK tăng 27,9%.

Thêm vào đó, do giá nguyên liệu đầu vào giảm khiến lợi nhuận gộp các doanh nghiệp cũng cải thiện, mặc dù phải giảm giá bán để gia tăng sức mạnh cạnh tranh. Đáng chú ý nhất là VPK khi lợi nhuận gộp tăng trưởng mạnh đến 94% nhờ việc VPK dự trữ giấy nguyên liệu vào đợt giảm giá mạnh cuối năm 2014, đồng thời hệ thống máy móc đi vào hoạt động ổn định làm giảm tỷ lệ sản phẩm lỗi, giảm lượng hàng bán bị trả về.

Mặc dù tích cực nhưng VDSC cho rằng giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp trong ngành vẫn chưa phù hợp với triển vọng tăng trưởng. Cụ thể như DHC đóng cửa ngày 20/05/2015 với giá 19.900 VND/cp thấp hơn 32% so với giá mục tiêu. Trong khi SVI và VPK, dựa trên kế hoạch 2015, đang giao dịch với mức P/E forward lần lượt là 5,4 và 6,6 lần, thấp hơn so với P/E forward trung bình ngành khoảng 7 lần.